SINH VIÊN NÊN MỞ THẺ NGÂN HÀNG NÀO ÍT TỐN PHÍ ?
11 min readKhi bạn là sinh viên thì thẻ ngân hàng chính là một hành trang không thể thiếu vì sẽ được dùng để bạn có thể nhận tiền trợ cấp từ bố mẹ, nhận lương nếu bạn có ý định đi làm thêm, nhận học bổng hoặc để thanh toán, chuyển tiền qua lại trong các cuộc đi chơi… Vậy nên, việc tìm hiểu kỹ càng về các ngân hàng để mở thẻ cho sinh viên là rất cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết sinh viên nên mở tài khoản, làm thẻ ngân hàng nào là ít tốn phí và có nhiều ưu đãi nhất!
1. Thẻ ngân hàng là gì? Các loại thẻ ngân hàng hiện nay?

Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán không dùng tiền mặt được ngân hàng cấp cho khách hàng. Thẻ ngân hàng mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng khi thanh toán mua sắm hàng hóa, dịch vụ hay rút tiền mặt tại ngân hàng hoặc tại các máy rút tiền tự động (ATM).
Hiện nay, có 3 loại thẻ ngân hàng có tính năng và đặc điểm hoàn toàn khác nhau, cụ thể:
Thẻ ghi nợ (Thẻ ATM/ Debit Card | Thẻ tín dụng (Credit card) | Thẻ trả trước (Prepaid Card) |
---|---|---|
Đối với loại thẻ này. sinh viên phải mở tài khoản ngân hàng trước mới mở thẻ ghi nợ được. Để sử dụng thẻ, bạn phải nộp tiền vào tài khoản ngân hàng và sử dụng trong mức cho phép tùy theo số tiền bạn đã nộp vào tài khoản. Tính năng của thẻ bao gồm thanh toán, rút tiền, chuyển tiền, nạp điện thoại…. | Đây là loại thẻ cho phép bạn dùng trước và trả tiền sau trong một khoảng thời gian nhất định. Thẻ tín dụng giống như một hình thức vay vốn của ngân hàng, bạn sẽ sử dụng số tiền trong thẻ và nếu thanh toán trễ hạnh, bạn sẽ bị tính mức lãi suất khá cao. Về tính năng của thẻ tín dụng đều giống thẻ ghi nợ | Loại thẻ không yêu cầu bạn phải mở tài khoản ngân hàng. Bạn chỉ cần nạp tiền vào thẻ và chi tiêu trong khoảng tiền đó, tương tự như cách nạp thẻ cào điện thoại. Thẻ này có rất nhiều hạn chế và là thẻ được ít người sử dụng nhất hiện nay |
2. Loại thẻ ngân hàng nào phù hợp nhất cho sinh viên?

Lời khuyên dành cho các bạn sinh viên là thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước thay vì làm thẻ tín dụng. Vì thủ tục làm thẻ tín dụng khá phức tạp và phải chứng minh thu nhập, thẻ tín dụng là loại thẻ chi trước trả sau nên nếu không biết cách kiểm soát chi tiêu tốt sẽ dẫn đến nợ tín dụng.
Vậy nên, các bạn sinh viên nên làm thẻ ghi nợ (thẻ ATM/ Debit card) vì sẽ dễ kiểm soát tài chính của bản thân mà vẫn đảm bảo đầy đủ các chức năng như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán online…
3. Sinh viên nên làm thẻ ngân hàng nào để ít tốn phí và có nhiều ưu đãi nhất 2022
3.1 Ngân hàng tốt nhất cho sinh viên – Tiên Phong Bank

Ngân hàng Tiên Phong (TP Bank) tự hào là ngân hàng dẫn đầu kỷ nguyên số tại Việt Nam hiện nay. TP Bank là ngân hàng đi đầu về công nghệ với chuỗi livebank cực hiện đại hoạt động 24/7 giúp cho các bạn sinh viên có thể thực hiện hầu hết các loại giao dịch tại ngân hàng như mở tài khoản, mở sổ tiết kiệm, nộp tiền vào tài khoản, đặc biệt là làm thẻ ATM ngay tại Livebank chỉ trong vòng 5 phút mà không cần phải đi ra quầy giao dịch.
Không chỉ dẫn đầu về công nghệ, TP Bank định hướng thành ngân hàng phổ biến cho khách hàng cá nhân và người mới đi làm có thu nhập thấp. Vậy nên, ngân hàng này có rất nhiều ưu đãi về phí và nhiều chương trình ưu đãi khoản vay cho sinh viên. Làm thẻ ATM ở TP Bank, sinh viên sẽ được miễn phí phát hành thẻ, được miễn phí toàn bộ giao dịch rút tiền, chuyển tiền kể cả nội bộ hay liên ngân hàng. Phí quản lý thẻ thường niên chỉ ở mức 55.000vnđ/1 năm, là mức phí gần như rẻ nhất so với các ngân hàng hiện tại.
Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng của TP Bank chỉ phổ biến hơn ở những thành phố lớn. Ngoài ra, hệ thống của TP Bank đôi khi gặp sự cố lớn gây gián đoạn giao dịch trong thời gian dài nhưng tần suất bị sự cố như vậy không quá nhiều.
3.2 Làm thẻ ATM Napas tại ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam – Timo

Timo là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam hoạt động dưới hình thức là một ứng dụng ngân hàng trên điện thoại. Timo thực sự là một trong những ngân hàng tốt nhất dành cho các bạn sinh viên với những ưu đãi không thể bỏ qua như:
- Miễn toàn bộ phí phát hành thẻ, phí dịch vụ, và các phí chuyển khoản liên ngân hàng khác.
- Miễn phí rút tiền tại bất kỳ cây ATM nào trên toàn quốc, miễn phí giao dịch thanh toán hóa đơn như: thanh toán tiền điện thoại qua ngân hàng, thanh toán tiền nước online, tiền điện và bắn tiền điện thoại cho mọi thuê bao khác.
- Tích hợp cả tính năng thanh toán các hóa đơn, gửi tiết kiệm online và những trải nghiệm ưu đãi cực kỳ hấp dẫn khác.
Ngoài những ưu điểm trên, Timo vẫn còn một vài nhược điểm đôi lúc gây khó chịu cho người dụng như: app của Timo gần như không hoạt động vào những ngày lễ, tốc độ load chậm, các CDM (Cash Deposit Machine) của Timo còn ít và thường xuyên trong tình trạng bảo trì gây cản trở quá trình nạp tiền vào tài khoản.
3.3 Làm thẻ ATM ngân hàng BIDV – 1 trong 10 công ty uy tín nhất ngành ngân hàng tại Việt Nam

BIDV là một trong số những ngân hàng tốt nhất dành cho sinh viên không chỉ vì những chương trình ưu đãi tốt cho sinh viên mà còn là sự uy tín của ngân hàng này . Đặc biệt, ngân hàng này đã phát hành riêng cho sinh viên một dòng sản phẩm thẻ ATM với nhiều ưu đãi và áp dụng phương thức thanh toán học phí hiện đại, cụ thể:
- Phí mở thẻ ưu đãi riêng cho sinh viên chỉ 30.000 đồng
- Mời bạn bè tham gia mở tài khoản nhận ngay 50.000 đồng
- Nếu đăng ký đầy đủ các sản phẩm có trong gói sẽ nhận ngay 50.000đ vào tài khoản
- Thẻ ATM không cần phải duy trì số dư tối thiểu
- Miễn phí phí thường niên năm đầu và phí phát hành thẻ.
Tuy nhiên, hệ thống ATM của BIDV đang dần trở nên cũ và tốc độ giao dịch không ổn định, các cây ATM thường xuyên gặp lỗi gây cản trở quá trình rút tiền.
3.4 Làm thẻ ATM tại Sacombank – ngân hàng có mạng lưới rộng lớn và hệ thống ATM hiện đại nhất hiện nay

Sacombank được thành lập vào năm 1991, tính đến hiện nay có tất cả 570 điểm giao dịch trên khắp cả nước. Điều đó tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có thể dễ dàng tìm được chi nhánh hoặc cây ATM của Sacombank ở bất kỳ nơi đâu. Ngân hàng này cũng có nhiều ưu đãi cho sinh viên mở thẻ như:
- Giảm phí thường niên: năm đầu tiên được giảm 50%, 4 năm tiếp theo giảm đến 90%
- Miễn phí quản lý tài khoản
- Không cần duy trì số dư tối thiểu trong thẻ
- Phí rút tiền tại cây ATM chỉ từ 1.100 đồng
Tuy có những ưu điểm rất nổi bật, người sử dụng thẻ Sacombank đôi lúc vẫn sẽ thấy khó chịu vì app Mobile Banking – Sacombank mBanking thường xuyên gặp lỗi hệ thống và giao diện còn sơ khai, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
4. Hướng dẫn cách làm thẻ ATM ngân hàng mới nhất 2022 cho sinh viên
Làm thẻ trực tiếp
- Bước 1: Các bạn cần bản photo CMND/CCCD, một ảnh 3*4
- Bước 2: Bạn đến ngân hàng nhận phiếu đăng ký mở thẻ
- Bước 3: Điền thông tin chính xác theo CMND/CCCD
- Bước 4: Nộp lại phiếu đăng ký tại quầy và làm theo hướng dẫn của nhân viên
- Bước 5: Sau khoảng 5-7 ngày bạn đến ngân hàng nhận lại thẻ ATM. Sau khi lấy thẻ ATM, bạn ra cây ATM để tiến hành đổi mã PIN, kích hoạt thẻ
Làm thẻ online
Hiện nay hầu như các ngân hàng đều đã cung cấp dịch vụ làm thẻ ngân hàng online qua app hoặc website của ngân hàng. Bạn chỉ cần tải app hoặc truy cập webiste của ngân hàng muốn mở thẻ, tìm mục làm thẻ, điền các thông tin theo hướng dẫn và chờ từ 5 đến 7 ngày để nhận thẻ.
TỔNG KẾT
Hy vọng với những thông tin được cung cấp trên bài viết, các bạn sinh viên đã phân biệt được các loại thẻ ngân hàng phổ biến hiện nay và chọn được ngân hàng để mở tài khoản ít bị tốn phí và hưởng được nhiều ưu đãi nhất.